Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Thanh Quang - Huyện Nam Sách

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Thanh Quang

GIỚI THIỆU

 DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ BIA CHÍ LINH BÁT CỔ

XÃ THANH QUANG, HUYỆN NAM SÁCH, TỈNH HẢI DƯƠNG

***


1. Lịch sử di tích

- Bia Chí Linh Bát Cổ có từ năm Nhâm Tuất (1802). Bia có bốn mặt khắc tám bài thơ có ghi về tám dấu tích cổ của huyện Chí Linh - Phủ Nam Sách. Bia được dựng ở gò Hạc (cách trung tâm văn hoá thôn Linh Khê ngày nay khoảng 200m về phía Bắc). Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên tàn phá, đến nay tấm bia đó đã được nhân dân thôn Linh Khê di chuyển về khu trung tâm văn hoá của làng. Năm 2009 được sự quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, sự đồng thuận nhất trí của cán bộ và nhân dân thôn Linh Khê, nhà Bia Chí Linh Bát Cổ đã được đầu tư xây dựng và di tích Lịch sử văn hoá ''Bia Chí Linh Bát Cổ'' thôn Linh Khê đã được cấp tỉnh xếp hạng. Hiện trạng của di tích Lịch sử văn hoá ''Bia Chí Linh Bát Cổ'' được đặt tại trung tâm văn hoá của làng gồm một quần thể : Đình, chùa, nhà văn hoá, khu Văn Chỉ. Ban quản lý xã giao cho thôn bố trí người bảo vệ gìn giữ. Hiện nay bia đã có nhà bảo vệ và đang phát huy tác dụng tốt.

- Qui mô di tích: Khoanh vùng bảo vệ di tích (có trích lục bản đò kèm theo).

+ Khu vực 1 có 49 m2 gồm thửa XDCB 127a/49. Khu vực 2 có 1.764m2 gồm các thửa XDCB 127/1343 và A 137/421.

+ Di tích lịch sử văn hoá ''Bia Chí Linh Bát Cổ'' được UBND tỉnh ra Quyết định số: 3719 /QĐ - UBND, ngày 21 tháng 10 năm 2009. Về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh Bia Chí Linh Bát Cổ, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

+ Hình thức, quy mô kiến trúc:

''Bia Chí Linh Bát Cổ'' là tấm bia quý, cao 185cm, dài 81cm, rộng 78cm, là một khối đá liền được tạo dựng công phu, tứ diện, chữ khắc bốn mặt, các đường nét mạch lạc. Trên bia còn có một số nét hoa văn nghệ thuật.

+ Cổ vật trong di tích Gồm có: 1Bia đá 4 mặt, cao 176cm, rộng 57cm, dầy 51cm, màu sắc xanh xám, niên đại thời Nguyễn (1802).

2. Công tác quản lý di tích.

- Do đặc thù di tích lịch sử văn hoá ''Bia Chí Linh Bát Cổ''được đặt tại trung tâm văn hoá của làng gồm một quần thể : Đình, chùa, nhà văn hoá, khu Văn Chỉ cho nên di tích lịch sử này được gắn với hoạt động lễ hội hàng năm của di tích lịch sử đình làng Linh Khê. Hàng năm trước dịp tổ chức lễ hội đình làng , Ban quản lý di tích cùng kết hợp với Ban chỉ đạo phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá'' xã họp triển khai công tác tổ chức lễ hội trước một tháng. Mục đích phải đảm bảo tinh thần đoàn kết,vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Giao cho Ban tổ chức lễ hội của thôn xây dựng kế hoạch báo cáo về Ban quản lý di tích trước 20 ngày để xã có hướng chỉ đạo. Trong lễ hội phải chấp hành đúng theo Quy chế của xã đã quy định. Sau lễ hội Ban tổ chức lễ hội của thôn báo cáo về Ban quản lý di tích xã nắm được kết quả công tác tổ chức và nguồn công đức trong lễ hội. Ban quản lý di tích xã tổng hợp báo cáo về Phòng Văn hoá, thông tin huyện.

- Các văn bản hồ sơ liên quan đến di tích do Ban quản lý di tích xã quản lý.

- Kinh phí của di tích chủ yếu là nguồn công đức trong lễ hội đã được Ban quản lý xã giao cho Ban tổ chức lễ hội đình làng quản lý và mở sổ theo dõi thu, chi hàng năm vào việc tu lễ các tuần tiết, tôn tạo, tu bổ khuôn viên di tích.

- Các trò trơi dân gian được tổ chức trong Lễ hội như: Thi đấu cờ tướng ; chọi gà ; bắt vịt ; đi cầu thùm ....

3. Tình hình tổ chức Lễ hội:

- Lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm một lần;

- Thời gian tổ chức Lễ hội vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm cùng với Lễ hội Đình Làng, thời gian tổ chức Lễ hội thường được diễn ra trong 1,5 ngày.

-Phần Lễ: Bao gồm Tế nhập tịch, sau đó dâng hương, Tế giã ;

- Phần hội: Tổ chức các chò chơi giân gian, giao lưu văn nghệ.

​​

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐÌNH HÀ LIỄU

XÃ THANH QUANG, HUYỆN NAM SÁCH, TỈNH HẢI DƯƠNG

***


1. Tóm tắt lịch sử truyền thống của địa phương

Xã Thanh Quang nằm trên trục đường Quốc lộ 37, phía đông giáp sông Kinh Thầy, phía bắc giáp Thị xã Chí Linh, diện tích tự nhiên là : 367,84 ha ; dân số : 4500 người, được chia thành bốn thôn : Linh Khê, Tống Xá, Tông Phố, Lê Hà. Cơ sở Tín ngưỡng gồm có : 05 đình ; 01 đền ; 01 nghè. Trong đó đã có ba​ di tích lịch sử văn hoá được cấp tỉnh xếp hạng đó là: Đình Hà Liễu - thôn Lê Hà.

2. Tên gọi di tích

 - Đình Hà Liễu.

- Đình Hà Liễu được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê (thế kỷ XVII), trên gò đất cao giữa Làng, chạy dài theo hướng Bắc - Nam. Theo thuyết phong thuỷ thế đất của Đình nằm trên lưng con cá sấu. Do năm tháng và chiến tranh nên cảnh quan khu di tích đã biến dạng,  đến năm 1993 đình Hà Liễu đã được nhân dân trong làng tôn tạo.

- Đình Hà Liễu là một di tích lịch sử văn hoá tôn thờ Tiến sỹ Nguyễn Cung. Tiếu sử của Ông đã được ghi trong thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự và trong tài liệu lưu trữ tại Viện thông tin khoa học xã hội.

- Bài trí thờ Tự tại đây gồm có: một nhang án và một số đồ thờ mới do nhân dân công đức. Trên khung xà được nắp đặt một đại tự có nội dung ca ngợi cụ Nguyễn Cung:

Thánh cung vạn tuế". Nghĩa là:  “Bậc thánh muôn đời".

Đặc biệt tại đây còn lưu giữ được bức Đại tự, nội dung như sau:

Hà Hải Tú Chung". Nghĩa là: “Làng Hà Liễu, Trấn Hải Dương có một tiếng chuông đẹp"

3. Đặc điểm, vị trí, địa lý

- Quy mô di tích:

+ Mặt bằng quy hoạch Đình Hà Liễu tổng diện tích khuôn viên là: 933m2.

+ Hình thức, quy mô kiến trúc: Trong không gian nội tự được xác định 369m2, đình Hà Liễu kiến trúc kiểu chữ đinh (J). Gồm:  đại bái 3 gian 2 trái và 2 gian hậu cung. Đại bái chất liệu bằng bê tông làm giả gỗ, hậu cung làm đơn giản.

4. Xếp hạng.

- Đình Hà Liễu - xã Thanh Quang - huyện Nam Sách. được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương cấp Quyết định số: 4769/QĐ - UBND ngày 28 tháng12 năm 2006. Quyết định về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh. Có bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Đình Hà Liễu - xã Thanh Quang - huyện Nam Sách - tỉnh Hải Dương.

5. Kiến trúc:

Từ ngoài nhìn vào, khu đình Hà Liễu khá bề thế. Nhà đại bái gồm 3 gian 2 trái, lợp ngói mũi mới dựng lại năm 2001. Bờ nóc được đắp nổi hình “Mặt nguyệt" mang phong cách tạo hình thời Nguyễn (Thế kỷ XIX). Riêng mặt nguyệt được tạo hình có 3 cụm mây lửa, gối đỡ mặt nguyệt là một mặt hổ phù, miệng ngậm chữ “Thọ" cách điệu, hai tay dang rộng đang cố vươn mình lên cao, hoạ tiết được điêu khắc tỷ mỷ, sinh động. Hai đầu nhà được gắn lạc long, miệng ngậm bờ nóc, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Bốn đầu đao đắp nổi hoạ tiết long chầu, phượng mớm. Mặt trước được nắp đặt 6 bộ cửa bức bàn. Toà đại bái dài 12,6m, rộng 6,4m, cao4,95m, có kiến trúc kiểu giá chiêng, lòng mở theo thức “thượng tứ hạ ngũ", các chi tiết này được làm bằng gỗ lim, đây là một toà nhà đẹp, chắc chắn và khá hoàn thiện. Kết cấu chính của toà nhà này là các vì  kèo, hệ thống xà, hoành và kẻ liền bẩy. Toà đại bái gồm 4 vì kèo liên kết với nhau, các vì kèo này có kiến trúc giống nhau, hệ thống chi tiết các vì kèo khá đầy đủ bao gồm cột cái có đường kính 40cm, cột quân đường kính 39cm, các chi tiết khác như: câu đầu, trụ, các con thuận, giường bụng lợn, đều được các nghệ nhân dân gian chế tạo khá hoàn chỉnh và nghệ thuật. Trên câu đầu là hai trụ, phía trên có giường bụng lợn, tạo thành giá chiêng khá hoàn chỉnh. Liên kết giữa các vì kèo ở các gian là hệ thống xà quân, xà thượng. Các thanh xà đều được làm bằng bê tông nhưng cũng soi chỉ, tạo má chai khá chắc chắn. Hệ thống dui, lá mái, tàu, gộp mái làm bằng gỗ tạo dáng đẹp cho toàn ngôi đình.

- Cổ vật hiện có trong di tích:

Trước đây di tích có khá nhiều cổ vật quý, nhưng trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, nhiều cổ vật đã bị mất mát, hư hỏng, nhất là hệ thống bia ký, câu đối, đại tự, dụng cụ rước thần…Tuy vậy, hiện nay đình Hà Liễu vẫn còn lưu giữ được một số di vật và cổ vật có giá trị bao gồm:

+ Một ngai thờ cao 104,5cm; dài 63cm; rộng 52cm, mới công đức.

+ Một bài vị cao 69cm; rộng 34,5cm, mới công đức.

+ Một đại tự sơn son thiếp vàng, mới công đức.

+ Một bảng độc chúc sơn son thiếp vàng thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX).

+ Một hòm sắc sơn son thiếp vàng thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX).

+ Một mâm đài sơn son thiếp vàng thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX).

+ Ba đài thờ sơn son thiếp vàng thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX).

+ Hai lục bình gốm thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX).

+ Một bia đá “Thạch kiều bi ký" niên đại thời Nguyễn.

Và nhiều đồ tế tự khác do nhân dân mới sắm.

6. Công tác quản lý di tích

- Sau khi di tích đình Hà Liễu được xếp hạng cấp tỉnh, xã Thanh Quang đã có Quyết định thành lập Ban quản lý di tích gồm : Trưởng ban là chủ tịch UBND xã ; Phó ban là Phó chủ tịch UBND xã ; các thành viên gồm :  Cán bộ văn hoá - XH ;Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã ; Cán bộ địa chính ; Trưởng thôn ; Trưởng Ban công tác mặt trận thôn ; Đại diện họ Nguyễn Tộc. Ban quản lý của xã được kiện toàn khi thành phần trong Ban quản lý có sự thay đổi công việc hoặc có lý do khác.

Hàng năm trước dịp tổ chức lễ hội đình làng, Ban quản lý di tích cùng kết hợp với Ban chỉ đạo phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá'' xã họp triển khai công tác tổ chức lễ hội trước một tháng. Mục đích tổ chức lễ hội phải đảm bảo việc đoàn kết, vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Giao cho Ban tổ chức lễ hội của thôn xây dựng kế hoạch báo cáo về Ban quản lý di tích trước 20 ngày để xã có hướng chỉ đạo. Trong lễ hội phải chấp hành đúng theo Quy chế của xã đã quy định. Sau lễ hội Ban tổ chức lễ hội của thôn báo cáo về Ban quản lý di tích xã nắm được kết quả công tác tổ chức và nguồn công đức trong lễ hội. Ban quản lý di tích xã tổng hợp báo cáo về Phòng Văn hoá, thông tin huyện.

- Kinh phí của di tích chủ yếu là nguồn công đức trong lễ hội đã được Ban quản lý xã giao cho Ban tổ chức lễ hội đình làng quản lý và mở sổ theo dõi thu, chi hàng năm vào việc tu lễ các tuần tiết, tôn tạo, tu bổ khuôn viên di tích.

- Các trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội như : Cờ người, bắt vịt, đi cầu thùm, kéo co, hát quan họ du thuyền...

7. Tình hình tổ chức lễ hội

- Lễ hội được tổ chức định kỳ hai năm một lần.

- Thời gian tổ chức là : 1,5 ngày. Từ chiều ngày 11 tháng 02 đến hết ngày 12 tháng 02 âm lịch.

- Phần lễ :

+ Chiều ngày 11 : Ban tổ chức khai mạc lễ hội, tiếp đến các cụ lão Ông tế nhập tịch sau đó đón nhân dân và con em trong làng đến dâng hương làm lễ Thánh.

+ Ngày 12 : Sáng từ 8 giờ đến 11 giờ đón nhân dân và khách thập phương đến dâng hương làm lễ Thánh. Chiều từ 13giờ 30 đến 14 giờ 30, đón khách thập phương cùng nhân dân đến thắp hương. Từ 14 giờ 30 đến 16 giờ  các cụ lão Bà tế giã đám và Ban tổ chức bế mạc lễ hội.

- Phần hội :

+ Tối ngày 11 tổ chức giao lưu văn hoá văn nghệ với các đội bạn.

+ Sáng ngày 12 tổ chức các trò chơi dân gian như : kéo co; cầu thùm, bắt vịt.

+ Chiều ngày 12 hát quan họ du thuyền.

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH TỐNG XÁ

XÃ THANH QUANG, HUYỆN NAM SÁCH, TỈNH HẢI DƯƠNG

***


1. Tên gọi di tích

a) Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học: Đình Tống Xá, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

b) Các tên gọi khác:

- Đình Cả.

Đình Tống Xá được gọi theo tên thôn Tống Xá. Ngoài ra, di tích còn gọi là đình Cả. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, thôn Tống Xá có 2 ngôi đình, để phân biệt, cộng đồng nhân dân gọi là đình Phố và đình Cả. Đình Cả còn mang ý nghĩa là ngôi đình khang trang, to đẹp nhất vùng.

2. Địa điểm và đường đi đến di tích

a) Địa điểm:

Đình Tống Xá tọa lạc tại trung tâm thôn Tống Xá, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Tống Xá là mảnh đất hình thành khá sớm trong lịch sử, thời hậu Lê là xã Tống Xá, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương.

Năm Minh Mạng 12 (1831), nhà Nguyễn đổi trấn thành tỉnh, làng (xã) Tống Xá thuộc tổng An Hộ, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Năm 1893, đời vua Thành Thái, cắt 8 xã([1]) thuộc tổng An Hộ của huyện Chí Linh về huyện Thanh Lâm. Cuối thế kỷ XIX, Tống Xá là một xã thuộc tổng An Ninh, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tổng An Ninh gồm 10 xã: Trực Trì, An Đoài, An Đông, An Xá Đông, An Xá Tây, Hà Liễu, Lương Gián, Lê Xá, Linh Khê và Tống Xá([2]).

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chính phủ bãi bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, xã Tống Xá chuyển thành thôn và sáp nhập với thôn Linh Khê lập thành xã mới, lấy tên là Thanh Quang ([3]). Cuối năm 1948, để thuận lợi cho sự chỉ đạo kháng chiến, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Nam Sách quyết định giải thể đơn vị xã An Cao. Ba thôn của xã An Cao được sáp nhập về xã Hợp Tiến (thôn Cao Đôi) và Thanh Quang (thôn Lê Xá và Hà Liễu)([4]). Năm 1960, do địa bàn rộng và dân số đông, xóm Tông và xóm Phố Phủ của thôn Tống Xá được tách ra và hợp thành thôn mới, lấy tên là Tông Phố. Cũng trong năm này, thôn Lê Xá và Hà Liễu sáp nhập, gọi là thôn Lê Hà. Như vậy, xã Thanh Quang gồm 4 thôn: Tống Xá, Lê Hà, Linh Khê, Tông Phố và tồn tại đến ngày nay.

Thực hiện Nghị quyết số 504-NQ/TVQH ngày 26 tháng 01 năm 1968 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Tỉnh Hải Hưng có 20 huyện và 2 thị xã, trung tâm hành chính đặt tại thị xã Hải Dương([5]). Lúc này, xã Thanh Quang thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng.

Thực hiện Quyết định số 70-CP, ngày 24 tháng 2 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ về việc “Hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Hải Hưng", huyện Nam Sách hợp nhất với huyện Thanh Hà thành huyện Nam Thanh. Theo đó, xã Thanh Quang thuộc huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng.

        Tiếp đến, ngày 6 tháng 11 năm 1996, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX (kỳ họp thứ 10), ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Hải Hưng chia tách để tái lập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên như cũ.

Thực hiện Nghị định số 11/CP ngày 17 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ, huyện Nam Sách được tái lập. Theo đó, xã Thanh Quang thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương([6]).

Căn cứ vào bản đồ địa chính hiện hành, xã Thanh Quang có vị trí địa lý như sau:

- Phía đông giáp sông Kinh Thầy;

- Phía tây giáp xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách;

- Phía nam giáp xã Quốc Tuấn và An Bình, huyện Nam Sách;

- Phía bắc giáp xã Nam Tân, huyện Nam Sách.

b) Đường đi đến di tích:

Từ thành phố Hải Dương (trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương) theo hướng đi cầu Hàn qua xã An Thượng (thành phố Hải Dương) đến ngã tư giao cắt với đường 5B thuộc địa phận xã Hồng Phong, đi thẳng khoảng 6km qua các xã Nam Hồng, An Sơn, Nam Trung, rẽ trái theo đường Quốc lộ 37 qua xã Quốc Tuấn đến bưu điện xã Thanh Quang, rẽ trái theo đường liên xã khoảng 500m là đến di tích. Di tích nằm bên trái đường.

Toàn tuyến đường dài khoảng 19km được trải nhựa rộng rãi phù hợp với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ.

3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

a) Sự kiện lịch sử

- Ngay từ những năm 1930, phong trào hoạt động cách mạng đã rất phát triển ở Tống Xá. Đến đầu năm 1940, đất Tống Xá từng là cửa ngõ, nơi trú ẩn của các cán bộ trong Xứ ủy Bắc Kỳ, Liên tỉnh B về vận động cách mạng thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Tạ Xá (Hợp Tiến) và chỉ đạo phong trào ở khu bắc huyện Nam Sách, nhiều người ở Tống Xá đã được dìu dắt sớm tham gia phong trào yêu nước. Các gia đình bà Xước, bà Oa, ông Mầu, ông Mỡ từng là những gia đình - cơ sở tin cậy nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của Đảng.

- Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, sân đình trở thành nơi tập trung nhân dân mít tinh mừng đất nước. Đồng thời, đây cũng là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến tuyên truyền mọi đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ với nhân dân địa phương cho đến tháng 4.1946, sau ngày bầu cử Hội đồng nhân dân xã khóa I, Ủy ban hành chính xã Thanh Quang ra đời.

- Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Tống Xá được chọn là sở chỉ huy chỉ đạo phong trào kháng chiến của địa phương chống lại các cuộc càn quét, lập tề của giặc. Suốt 7 năm, từ năm 1948-1954, giặc Pháp kéo về chiếm đóng xã Thanh Quang, chúng thẳng tay đốt phá, lùng bắt, sát hại người yêu nước, hòng tìm cách lập làng tề ở Tống Xá (Xóm Tông ngày nay) nhưng đã không khuất phục được tinh thần yêu nước, kiên trung, một lòng theo Đảng, theo Việt Minh của người dân nơi đây. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, Tống Xá như một đảo nhỏ kiên cường trụ vững, làm thất bại mọi âm mưu phản động của kẻ thù. Các cơ quan Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến huyện và một số cơ quan của tỉnh đã sơ tán về đây để đảm bảo an toàn. Kẻ thù đã liệt Tống Xá vào danh sách làng đỏ, làng Việt Minh.

- Hòa bình lập lại (cuối năm 1954), di tích được sử dụng làm lớp học cho học sinh bậc Tiểu học (từ lớp Nhất đến lớp Ba) do thầy giáo Đỗ Văn Di, Nguyễn Văn Sắc và Trần Văn Mai giảng dạy. Trong năm học 1959-1960, được sự nhất trí của Ủy ban hành chính huyện Nam Sách, xã Thanh Quang mở một lớp đầu cấp II đặt tại đình Tống Xá do thầy giáo Lê Sĩ Chính (quê Nghệ An) phụ trách. Lớp học gồm trên 50 em của hai xã Thanh Quang và An Bình.

- Ngày 9/2/1964, Chi bộ xã Thanh Quang tổ chức đại hội lần thứ X tại đình Tống Xá. Tại đại hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách quyết định Chi bộ xã Thanh Quang thành cấp Đảng bộ.

- Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, từ năm 1965 - 1968, khuôn viên đình được sử dụng làm sân kho Hợp tác xã nông nghiệp. Tại đây, địa phương cho xây dựng một dãy nhà 5 gian làm kho thóc phục vụ sản xuất. Sân đình cũng là nơi tập kết, tiễn đưa hàng trăm con em địa phương lên đường chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ tổ quốc tại chiến trường miền Nam.

b) Nhân vật được thờ:

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu tại di tích, các tài liệu liên quan và truyền ngôn trong nhân dân cho biết: Đình Tống Xá thờ ba vị Thành hoàng: Vị thứ nhất họ Cao, tên húy là Sơn, tên chữ là Văn Trường; vị thứ hai hiệu là Đông Cực Quất Lâm Hiển Đức; vị thứ ba hiệu là Cửu Thiên Khai Hóa Linh Ứng Thiên Tiên Công Chúa. Vị thứ nhất là nhân thần, vị thứ hai và ba là thiên thần([7]).

Hành trạng của ba vị Thành hoàng chúng tôi căn cứ vào tài liệu Thần tích - Thần sắc, số ký hiệu TT-TS FQ4018/IX,49 do Hương lý, Kỳ hào làng Tống Xá kê khai năm 1938 hiện lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, bước đầu xin giới thiệu như sau:

* Vị thần họ Cao, tên húy là Sơn, tên chữ là Văn Trường

Sự tích đức Cao Sơn khi nhỏ tinh thông kinh sử, thi đỗ tiến sĩ ([8]). Ngài làm quan đến Thừa tướng, nhà vua (không rõ đời vua nào) lệnh dẫn quân đi đánh giặc Đông Di([9]), thắng trận trở về được gia phong là Đại Thừa tướng Trưởng Nguyên soái. Ngài làm quan đến năm 78 tuổi thì về hưu, thọ 103 tuổi. Khi mất, vua tặng phong là “Cao San hộ quốc Đại vương" để thiên hạ lập miếu phụng thờ tỏ rõ ân đức. Do có nhiều công lao, Ngài đều được các triều đại phong kiến ban sắc phong thần.

Theo truyền ngôn, sau khi nhà vua cho về hưu viên, Cao Sơn đã về vùng đất Tống Xá, Lương Gián (nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách) sinh sống, làm nghề thuốc chữa bệnh cho dân, được mọi người kính trọng. Một năm, trong vùng xảy ra đại dịch đậu mùa, như một thần y, ông đã ra tay cứu giúp cho hàng trăm người thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Sau khi ông mất, ghi nhận công lao, dân làng Tống Xá, Lương Gián đã suy tôn ông là thần y và dựng đình thờ tự.

*Vị thần hiệu Đông Cực Quất Lâm Hiển Đức

Về thân thế, sự nghiệp của vị thần hiệu Đông Cực Quất Lâm Hiển Đức tại di tích chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép lại. Theo Thần tích - Thần tích làng Tống Xá, nguyên trước ở đền có một cây quất cổ thụ khác hẳn mọi phương, dân gian ai có bệnh đến kêu cầu, hái lá quất về sắc uống thì bệnh khỏi. Triều nhà Trần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trên đường dẫn quân đi đánh giặc Nguyên Mông ở sông Bạch Đằng có vào đền thờ Ngài cầu đảo, được Ngài “âm phù" đánh thắng quân giặc([10]).

*Vị thần hiệu Cửu Thiên Khai Hóa Linh Ứng Thiên Tiên Công Chúa

Tư liệu về vị thần hiệu Cửu Thiên Khai Hóa Linh Ứng Thiên Tiên Công Chúa đến nay còn khuyết thiếu. Trong Thần tích - Thần tích làng Tống Xá chỉ ghi Ngài rất linh thiêng, dân cầu khấn đều linh ứng, còn ngày sinh, ngày hóa, lai lịch, hành trạng thế nào thì không thấy ghi chép gì (?).

Do có công lao với nước, với dân, ba vị Thành hoàng đều được ban tặng sắc phong. Ngày 2 tháng 4 năm 1789, niên hiệu Quang Trung thứ 2 phong cho vị thần làng Tống Xá sắc phong đầu tiên. Tiếp đến, ngày 4 tháng 11 năm 1793, niên hiệu Cảnh Thịnh nguyên niên, phong sắc thứ 2. Từ đó về sau, các đời vua nhà Nguyễn đều có sắc phong (niên hiệu Gia Long 9 (1810), Minh Mệnh 2 (1821), Thiệu Trị 6 (1846), Tự Đức 3 (1850), Tự Đức 4 (1851), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 2 (1917) và Khải Định 9 (1924)([11]). Đây là tài liệu quan trọng trong việc xác định thân thế, sự nghiệp của các vị Thành hoàng làng. Tiếc rằng, trải qua thời gian và chiến tranh, một số đạo sắc thời Lê và thời Nguyễn đã bị mất. Hiện nay, tại di tích chỉ còn lưu giữ được 3 đạo sắc, phong cho Thành hoàng Cao Sơn vào năm: Thiệu Trị 6 (1846); Tự Đức 33 (1880) và Duy Tân 3 (1909).

c) Đặc điểm của di tích:

Đình Tống Xá xây dựng trên một khu đất cao ráo, mặt tiền quay hướng đông nam, phía trước là đường liên xã, tiếp giáp với chùa Tống Xá (Sùng Ân tự) và nhà văn hóa, vì vậy nơi đây được coi là trung tâm văn hóa của thôn - nơi tập trung nhiều thiết chế giáo dục truyền thống cho cộng đồng nhân dân địa phương tạo nên không gian thiêng, uy linh cho di tích.

4. Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng liên quan đến di tích

a) Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945

Hàng năm, tại đình Tống Xá có một kỳ lễ hội chính vào tháng 2 (âm lịch), diễn ra từ ngày mồng 9 đến ngày 11, trọng hội là ngày mồng 10, gọi là lễ vào đám. Những năm phong đăng hòa cốc (thóc lúa được mùa), lễ hội được diễn ra dài ngày hơn (5 hoặc 7 ngày).

Lễ hội đình mặc dù chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng việc chuẩn bị cho hội được dân làng chuẩn bị từ vài tháng trước. So với hội của các làng xã lân cận, đây thực sự là một hội lớn từ thành phần tham gia cho đến ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hoá cũng như nhu cầu tâm linh của người dân địa phương. Trước ngày mở hội, làng bầu ra Ban Khánh tiết gồm Lý trưởng, Chánh, Phó hội, đại diện của ba giáp: Đông, Tây, Trung trong làng để tiếp khách và lo các công việc trị sự. Những việc như chọn người cho đội tế nam, cầm cờ, khiêng kiệu, chuẩn bị lễ vật dâng cúng được phân công, cắt đặt sớm.

Sáng ngày mồng 9, Lý trưởng thay mặt cho dân làng vào hậu cung đình thắp hương xin làm lễ mộc dục. Ngai và bài vị được đưa ra khỏi bệ, bao sái sạch sẽ. Lễ mộc dục kết thúc, trước cửa đình cắm một lá cờ thần lớn và nổi một hồi trống, chiêng rộn vang. Kiệu long đình, tàn, lọng, bát bửu... đặt trước sân, sẵn sàng cho ngày hội. Chiều cùng ngày, làng tổ chức tế Nhập tịch xin phép các vị Thành hoàng cho dân làng mở hội. Buổi tối, trên sân đình, các tích chèo được biểu diễn.

Sáng ngày mồng 10, ba giáp cử người khiêng lễ vật ra đình. Theo quy định, làng có ruộng công điền giao cho ba giáp. Trưởng của mỗi giáp sẽ phân công người của giáp mình cày cấy lấy hoa lợi nuôi lợn tế thần. Lợn tế phải là lợn đực, trọng lượng nặng từ 40 - 50 kg, lông đen và chăm sóc chu đáo, sạch sẽ. Ngày lễ, lợn được mổ thịt, đặt úp trên một chiếc bàn vuông và phủ lá mỡ cơm xôi (phần mỡ quấn quanh dạ dày lợn, còn gọi là lớp màng sang) lên mình lợn từ đầu xuống chân tạo nên những đường nét hoa văn trên mình lợn. Khi rước lợn ra đình, ông Chủ tế ra nhận, đặt vào nhang án trước ban thờ tòa đại bái. Sau đó, thắp hương xin cho dân làng tổ chức nghi thức rước bộ thánh. Thứ tự đám rước như sau: Đi đầu là cờ thần, bát bửu, thanh long đao rồi đến kiệu bát cống, trên kiệu đặt ngai thờ (tượng trưng cho Thành hoàng Cao Sơn), hai bên kiệu có tàn, lọng che. Tiếp sau là kiệu lễ vật, chiêng, trống, các vị có chức sắc, quan viên và cuối cùng là dân làng. Lộ trình rước từ đình theo đường cái quan của làng đến đền Quất Lâm([12]) thì dừng lại hai bên đường và giữ nguyên đội hình như khi xuất phát, duy chỉ có ông Chủ tế vào thắp hương, khấn mời vị thần hiệu Đông Cực Quất Lâm Hiển Đức về đình Tống Xá dự lễ hội. Sau đó, đoàn rước đến nghè Phố([13]) làm lễ, cầu mong các vị đại thần phù trợ cho con cháu trong làng học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Hết một tuần hương, đoàn rước đến đền Phủ([14]). Tại đền Phủ, hình thức cũng được tiến hành như đền Quất Lâm. Khi đoàn rước trở về đình, kiệu bát cống đặt trước sân, ngai thờ Thành hoàng đưa vào ngự trong hậu cung. Sau nghi thức này, làng tổ chức tế. Theo quy định chung, đoàn tế gồm 13 người tham gia, đứng đầu là Chủ tế. Giúp Chủ tế có bốn vị bồi tế, hai vị Đông xướng và Tây xướng, hai vị nội tán để trợ xướng, số còn lại là chấp sự (bốn người) chia làm hai hàng, mũ áo chỉnh tề cùng dâng lễ vật. Trong khi hành lễ nếu ai bước lỗi chân thì bị làng phạt tiền. Do đó, công tác chuẩn bị hội tế thường phải diễn tập trước hàng tháng. Điển lễ quy định khi tế phải đi theo chữ “Á" (không được quay lưng vào mặt các vị Thành hoàng) và trải qua đúng ba lần dâng rượu, hương, sau đó đến đọc chúc, hóa chúc. Người dự tế tự lo quần áo, mũ và hia, sau hội phải để lại đình không được tự ý mang về nhà để giữ thanh khiết.

Tế xong, một phần lễ vật biếu các vị quan viên, chức sắc, đội tế dự yến tại đình, còn lại mang về các giáp chia phần để cùng thụ hưởng lộc Thánh.

Buổi chiều cùng ngày và sáng ngày 11, tại sân và ao đình diễn ra các trò chơi dân gian chọi gà, kéo co, đi cầu thùm, bắt vịt... rất sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, tạo nên nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của địa phương.

Chiều ngày 11, ông Chủ tế thay mặt cho dân làng thắp hương trước ban thờ Thánh xin phép hoá vàng và tế giã đám, kết thúc lễ hội.

Ngoài kỳ lễ hội chính vào tháng 2 (âm lịch), đình Tống Xá còn có các sự lệ (lễ tiết) khác:

- Ngày 15 tháng 5 (âm lịch): Lễ hạ điền;

- Ngày 15 tháng 7 (âm lịch): Lễ thượng điền;

- Ngày 23 tháng 12 (âm lịch): Lễ tất niên.

          Trong những ngày này, các nghi lễ diễn ra với quy mô nhỏ, chỉ có lễ. Lễ vật gồm xôi, gà, trầu, rượu, hoa quả do các giáp chuẩn bị. Đặc biệt, vào lễ tất niên, tại đình Tống Xá được tổ chức hơi khác và là nghi lễ độc đáo không phải địa phương nào cũng có. Lễ tất niên thường diễn ra trong một ngày, từ ngày 23 đến trước ngày 30 tháng Chạp (tùy quy định từng năm). Các vị chức sắc, Hội tư văn, trưởng ba giáp và các cụ cao niên ra đình cùng làm lễ. Trong không khí thiêng liêng với hương trầm nghi ngút, ông Lý trưởng thay mặt cho làng báo cáo với các vị Thành hoàng những công việc của làng xã, những việc đã và chưa làm được; những dự định sẽ thực hiện trong năm mới, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của con dân trong làng và cầu mong các vị thần che chở, phù hộ cho một năm mới nhiều may mắn, người khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa.

b) Lễ hội ngày nay:

Sau một thời gian dài gián đoạn, năm 1993, lễ hội đình Tống Xá mới khôi phục trở lại dựa trên những nét đẹp truyền thống của lễ hội xưa và tiếp thu, đổi mới về nội dung, hình thức cho phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Hiện nay, lễ hội được tổ chức với tên gọi “Lễ hội truyền thống đình làng Tống Xá", diễn ra trong 3 ngày từ ngày mồng 9 - 11 tháng 2 (âm lịch).

 Sáng ngày mồng 9, ông Thủ từ làm lễ xin phép mở cửa đình, các cụ cao niên, hương lão và các hội, đoàn thể, dân làng được phân công hoàn thành các công việc như bao sái đồ thờ tự, cắm cờ, treo băng zôn, khẩu hiệu, dựng sân khấu... Các công việc chuẩn bị hoàn tất, Hội hương lão đình tiến dâng lễ vật (mâm xôi, sỏ lợn, hoa quả, trầu, rượu...) là lễ tế Cáo yết do đội tế nam của thôn đảm nhiệm theo đúng phong cách tế cổ truyền. Buổi chiều, tổ chức giao hữu thể thao cầu lông, bóng đá, bóng bàn, cờ tướng... giữa các đoàn thể trong thôn tại sân đình và nhà văn hóa. Tối, đội văn nghệ của thôn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ biểu diễn hát chèo và những ca khúc mới ca ngợi quê hương đất nước, ơn nhớ tổ tiên.

Sáng ngày mồng 10, Ban tổ chức tập trung tại đình từ sớm để đón tiếp khách và con em ở xa về dự lễ hội. Chương trình khai mạc lễ hội được tiến hành trang trọng, thành kính. Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, tóm tắt lịch sử di tích, công trạng các vị Thành hoàng là sự tri ân thành kính của đại biểu và cộng đồng nhân dân bằng những nén hương thơm ngát.

Buổi chiều và tối, dân làng, khách thập phương tiếp tục vào dâng lễ. Ngoài ao đình tổ chức hát quan họ trên thuyền, bên bờ ao, đông đảo nhân dân lắng nghe thưởng thức.

Sáng ngày 11, hát quan họ trên thuyền, hát chèo sân đình, các trò chơi bắt vịt, cờ tướng,... tiếp tục được tổ chức và kéo dài đến 16 giờ cùng ngày. Sau đó, đội tế nam tế tạ, đóng cửa đình, kết thúc lễ hội.

Ngoài kỳ lễ trên, tại đình còn có lễ tất niên. Trải qua thời gian, dân làng Tống Xá vẫn giữ được tục lệ tốt đẹp này. Lễ diễn ra trước hoặc sau ngày 23 tháng Chạp. Vào ngày lễ, đồng chí Bí thư Chi bộ, trưởng thôn thay mặt cho dân làng mời các cụ cao niên, các dòng họ, con em trong làng và con em xa quê đến dự. Đồng chí chí Bí thư Chi bộ, trưởng thôn báo cáo hoạt động trong năm và phương hướng, nhiệm vụ trong năm tới; đánh giá những việc làm được và chưa làm được, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc phối hợp với chính quyền địa phương vận động các thế hệ con em trong làng tích cực tham gia lao động sản xuất, các phong trào thi đua; chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như nội quy, quy chế của địa phương; xây dựng thôn, làng an toàn hiếu học và tuyên dương những tấm gương người tốt, việc tốt. Tiếp theo, đại diện các cụ cao niên, chính quyền địa phương và các dòng họ vào thắp hương, khấn lễ. Hương tàn, dân làng cùng nhau thụ lộc tại sân đình trong không khí vui vẻ, ấm cúng.

5. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ thuộc di tích

* Về lịch sử, văn hóa:

Đình Tống Xá thờ tam vị Thành hoàng. Công lao thánh tích của các vị ghi chép trong Thần tích - Thần sắc, sắc phong, câu đối, đại tự và được người dân Tống Xá lưu truyền trong tâm thức của mọi người từ già đến trẻ. Các vị khi sống có nhiều công lao to lớn với dân, với nước; khi mất, đã hiển linh phù trợ cho dân khang vật thịnh, che chở cho nhân dân địa phương (âm phù) có sức khỏe, làm ăn thuận lợi, đúng với câu “sinh vi tướng, tử vi thần" của người Việt.

Đình Tống Xá từ xưa đến nay không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mà còn là “chứng nhân" của lịch sử, một “địa chỉ đỏ" quan trọng gắn với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng của địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Lễ hội đình Tống Xá diễn ra hàng năm chính là  cho sự cố kết cộng đồng. Trong những ngày hội đình, cộng đồng làng Tống Xá trở nên gắn bó chặt chẽ hơn qua những công việc chuẩn bị và tổ chức bởi mỗi người, mỗi xóm đều được phân công thực hiện một công việc cụ thể và chỉ khi những công việc này được hoàn tất và gắn lại với nhau mới làm nên một hội đình hoàn chỉnh. cũng là dịp để người dân thể hiện sự thân thiết, chan hòa với nhau cũng như trách nhiệm với cộng cồng. Tình bạn bè xóm giềng, đoàn, hội lại có dịp được khẳng định và củng cố. Trong không khí vui vẻ của lễ hội, con người trở nên gần gũi với nhau hơn, dễ tha thứ với những hiềm khích, bất đồng với nhau hơn cho dù cả với những người không quen biết, những người ngoài làng đến dự hội. Mỗi lần hội đình qua đi, cái còn lại để cho người dân nơi đây chính là những giá trị tốt đẹp như một tiềm năng được khơi dậy, tinh thần cộng đồng được đề cao. Chính điều này đã góp phần tích cực trong việc xây dựng một đời sống nông thôn mới với những con người mới và những giá trị văn hóa mới.

* Về khoa học, thẩm mỹ:

Khu di tích tọa lạc gần trục đường liên xã Thanh Quang - Hợp Tiến, bên bờ hữu ngạn của sông Kinh Thầy, cận kề với Quốc lộ 37 và khu thị tứ chợ Rồng, một thế đất thiên phú đắc địa “nhất cận thị, nhị cận giang" tạo điều kiện cho di tích có hướng phát triển tốt trong tương lai.

Vượt qua mọi biến cố của tự nhiên và xã hội, tại di tích còn lưu giữ 3 đạo sắc phong, 9 tấm bia đá([15]) cùng các đồ thờ tự như ngai, hòm sắc, bát hương... được chạm khắc, sơn thếp, trang trí đồ án mỹ thuật rồng, hoa lá cách điệu... có niên đại vào thời Nguyễn, là nguồn tư liệu vật chất gốc quí giá trong việc nghiên cứu lịch sử di tích, lịch sử mỹ thuật, thân thế và sự nghiệp của các vị Thành hoàng được thờ, vùng đất và con người Tống Xá xưa.

* PHỤ LỤC:

 ([1]). Gồm: Tống Xá, An Quảng, Linh Khê, Lang Diện, Hộ Xá, Hà Liễu, Lê Xá và Điền Trì (Trực Trì).

 ([2]). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương, sđd, tr. 16.

 ([3]). Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Quang, tập I (1930 - 1954) - Ban chấp hành Đảng bộ xã Thanh Quang K.22 xuất bản năm 1992, tr. 84.

 ([4]). Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Quang, sđd, tr. 105.

 ([5]). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương, sđd, tr. 14.

 ([6]). Xã Thanh Quang nằm ở phía đông bắc huyện Nam Sách, có diện tích tự nhiên 379ha, dân số 5.617người, 1.576hộ, riêng thôn Tống Xá có 1.047 người với 365 hộ, 16 dòng họ lớn nhỏ (tính đến ngày 1/7/2022), trong đó họ Nguyễn, Lương, Mạc được coi là “Tiên công lập ấp".

([7]). Theo: Thư mục Thần tích - Thần sắc, Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội xuất bản năm 1997, tr. 65.

 ([8]). Hiện nay, chưa có sách nào ghi ông đỗ tiến sĩ.

 ([9]). Theo chúng tôi là giặc cướp biển từ phía đông tràn vào (theo cách gọi dân gian).

([10]). Theo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Quang, tập I, sđd, tr. 22,23: Tại địa phương còn lưu truyền một truyền thuyết khác về vị thần hiệu Đông Cực Quất Lâm Hiển Đức: Vào thế kỷ XIII, tướng Trần Khánh Dư của nhà Trần đã dẫn một đạo quân từ bến đò Nấu đi qua đất Tống Xá để ra bến Bình xuôi thuyền đi đánh giặc Nguyên. Khi tới làng Tống Xá, đoàn quân gặp một người thôn nữ đoan trang. Người thôn nữ hỏi đoàn quân: “Các anh đi đánh giặc nơi đâu cho thiếp đi cùng". Những người lính trẻ trong đoàn quân nói: “Các anh đi đánh giặc ở mãi ngoài biển xa". Người thôn nữ năn nỉ: “Các anh có thể cho thiếp đi theo, thiếp sẽ giúp các anh đại thắng". Tướng Trần  Khánh Dư nghe chuyện giữa những người lính và cô thôn nữ, bèn hỏi: “Tên nàng là gì?. Người thôn nữ trả lời: “Thiếp là Vân Tiên Cổ Động (nàng tiên ở trên trời cổ vũ động viên). Khi đánh tăn giặc, tướng Trần Khánh Dư trở lại làng Tống Xá tìm người thôn nữ có tên Vân Tiên Cổ Động thì được biết cả vùng không có ai tên như thế. Chỉ có ngôi miếu giữa rừng Quất Lâm là “Vân Tiên Cổ Động". Lúc đó mới hay người thôn nữ hôm nào đã gặp trên dường ra trận là một bậc thánh đã phù trợ cho đoàn quân chiến thắng...".

([11]). Theo Thần tích - thần tích làng Tống Xá, tài liệu đã dẫn.

([12]). Đền Quất Lâm cách đình khoảng 1,5km về hướng bắc, kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung, mặt tiền quay hướng tây, thờ vị hiệu Đông Cực Quất Lâm Hiển Đức. Năm 1965, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã cho hạ giải đền. Năm 1993, ngôi nghè được khôi phục lại trên nền đất cũ. Hiện nay, do thay đổi địa giới hành chính, đền thuộc thôn Tông Phố.

([13]). Nghè Phố cách đình khoảng 1,3 km về hướng đông, kiến trúc kiểu chữ nhất gồm 3 gian tiền tế, mặt tiền quay hướng tây, thờ thập nhị đại thần (không rõ tên). Năm 1965, nghè bị hạ giải. Khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, ngôi nghè được khôi phục lại trên nền cũ, kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung, kết cấu khung vì bằng chất liệu bê tông cốt thép. Hiện nay, do thay đổi địa giới hành chính, nghè thuộc thôn Tông Phố.

([14]). Đền Phủ cách đình khoảng 700m về hướng đông nam, mặt tiền quay hướng tây, thờ vị hiệu Cửu Thiên Khai Hóa Linh Ứng Thiên Tiên Công Chúa . Công trình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Năm 1948, thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến" của Ủy ban hành chính - kháng chiến tỉnh, chính quyền địa phương đã cho hạ giải ngôi đình, ngăn chặn không cho quân Pháp chiếm đóng. Đất đền nay là trường Tiểu học xã Thanh Quang.